Những bài thi bạn buộc phải làm để đi du học Mỹ bậc cử nhân

Những bài thi bạn buộc phải làm để đi du học Mỹ bậc cử nhân

Mặc dù thông tin về du học Mỹ khá tràn lan trên mạng xã hội cũng như các kênh thông tin điện tử nhưng các bài viết thường quá chung chung hay chỉ tập trung chỉ vào 1 khía cạnh nhỏ khiến chúng ta không nắm được sâu những gì thực sự phải làm. Đây là chưa kể tới sự thay đổi không ngừng của các bài thi chuẩn hoá và thậm chí là cả của cả ngành giáo dục bậc đại học Mỹ.

Vì thế mình viết bài này nhằm tổng hợp cũng như chia sẻ tới bạn tất cả những gì quan trọng nhất về những bài thi chuẩn hoá bạn cần chuẩn bị để đi du học Mỹ bậc đại học. Chia sẻ của mình hướng nhiều tới các bạn muốn đi du học bậc đại học theo dạng học bổng, thay vì theo dạng định cư hay qua học Community College (cao đẳng cộng đồng rồi chuyển tiếp lên). Với những điều mình viết trong cuốn cẩm nang ngắn này, mình hi vọng các bạn KHÔNG BAO GIỜ cần gửi tin nhắn tới bất cứ ai để hỏi rằng em muốn đi du học Mỹ phải thi những gì nữa hay KHÔNG LỆ THUỘC vào bất cứ ai cả. Thay vào đó các bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung ôn thi, làm đúng theo lộ trình và chuẩn bị cho hồ sơ của mình thật tốt!!!!

!!!! CẢNH BÁO: BÀI VIẾT RẤT DÀI! ĐỪNG ĐỌC NẾU BẠN CHẲNG CÓ 1 QUYẾT TÂM CAO ĐỘ ĐỂ ĐI DU HỌC MỸ

A. ĐIỀU KIỆN CẦN: IELTS HOẶC TOEFL

1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ IELTS VÀ TOEFL

IELTS và TOEFL là 2 chứng chỉ cơ bản nhất bạn cần nắm bắt để chuẩn bị hành trình du học Mỹ, dùng để đánh giá khả năng ngôn ngữ của bạn. Bạn có thể hiểu nôm na là bây giờ mình qua 1 quốc gia khác sinh sống, nếu không có IELTS hoặc TOEFL chẳng ai có thể chứng thực cho mình là mình biết nói tiếng Anh ở 1 mức độ trên trung bình hoặc cao cả. Hay nói cách khác cũng giống như điểm liệt vậy, nếu không có IELTS hoặc TOEFL thì có thể tạm coi là bạn dưới điểm liệt rồi và hồ sơ của bạn sẽ ngay lập tức bị loại. 

Ngoài ra mỗi trường sẽ có yêu cầu về điểm liệt IELTS hoặc TOEFL riêng. Ví dụ như nếu yêu cầu của trường là IELTS tối thiểu 6.5 hoặc TOEFL tối thiểu 80 mà bạn chỉ đạt 6.0 IELTS hay 79 TOEFL thì cũng bị coi là liệt và hồ sơ bị loại.

2. NỘI DUNG 2 BÀI THI

I. BÀI THI TOEFL

TOEFL là bài thi năng lực tiếng Anh được thực hiện bởi tổ chức ETS, cũng là tổ chức thực hiện bài thi GRE và một số bài thi khác.

Có nhiều dạng bài thi TOEFL khác nhau, hoặc là trên giấy hoặc trên mạng. Bài viết sau sẽ tập trung vào TOEFL iBT, là bài kiểm tra được thực hiện qua mạng và là bài kiểm tra phổ biến nhất, được chấp nhận nhiều nhất.

Bài thi TOEFL gồm 4 phần và kéo dài 3.5 giờ. Bạn sẽ nhận được số điểm nằm trong khoản từ 0 đến 30 cho mỗi phần và tính tổng các phần sẽ ra được điểm của toàn bài thi trong khoản từ 0 đến 120. Có 10 phút giải lao giữa phần Listening và Speaking. Sau đây là câu trúc của bài.

Phần thiSố câu hỏiThời gian làm bàiNội dung
Reading36-5660-80 phútGồm 3 đến 4 bài đọc học thuật từ các bộ sách giáo khoa ở trình độ đại học, giới thiệu về các quy luật, các khái niệm cũng các câu hỏi để học sinh trả lời. Có ba loại câu hỏi chính: câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi yêu cầu thí sinh phải thêm câu vào chỗ trống trong đoạn văn, câu hỏi yêu cầu thí sinh tóm tắt thông tin dưới dạng bảng hoặc biểu đồ.
Listening34-5160-90 phútCó 6 đoạn nghe cũng với các câu hỏi xoay quanh các cuộc đối thoại trong đời sống học đường, ví dụ như các bài giảng, các cuộc nói chuyện giữa các học sinh hoặc giữa học sinh với giáo viên. Các câu hỏi bao gồm trắc nghiệm, loại câu hỏi yêu cầu bạn sắp xếp theo thứ tự một sự kiện hoặc một quy trình, loại câu hỏi yêu cầu nối đoạn văn và sự vật vào phân loại phù hợp trong biểu đồ.
Speaking6 câu hỏi20 phútCó tổng 6 câu hỏi: Hai câu hỏiđầu tiên yêu cầu thí sinh trình bài quan điểm, ý kiến và trải nghiệm của bản thân trong khi trả lời. Bốn câu hỏi sau thuộc phần câu hỏi tổng hợp, với hai câu yêu cầu thí sinh nghe rồi nói, hai câu còn lại yêu cầu nghe, đọc rồi nói.
Writing2 câu hỏi50 phútGồm hai phần: trong phần viết tổng hợp (Integrated Writing), thí sinh sẽ có thời gian để nghe một đoạn audio và đọc một đoạn văn bản trước khi dành ra 20 phút để tóm tắt và so sánh những gì họ nghe được trong 150-255 từ; phần viết độc lập (Independent Writing) yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm về một vấn đề trong vòng 30 phút bằng một văn bản dài khoảng 300 từ.

II. BÀI THI IELTS

Bài thi IELTS là một bài thi kiểm tra trình độ tiếng Anh khác được tổ chức chung bởi British Council và IDP: IELTS Australia và Cambridge English Language Assessment.

Có hai loại bài IELTS: học thuật (Academic) và không học thuật (General Training). Bài thi học thuật dành cho những người có mục đích học đại học hoặc làm làm việc chuyên nghiệp. Bài thi còn lại dành cho những ai muốn du học ở cấp trung học hoặc tìm kiếm kinh nghiệm việc làm. Mình sẽ tập trung giới thiệu về IELTS học thuật (Academic), là bài thi được biết nhiều đến đối với các học sinh học bậc đại học chưa tốt nghiệp và bậc sau đại học.

Bài thi IELTS kéo dài 2 giờ 45 phút, gồm bốn phần tương tự như bài thi TOEFL. Thang điểm cho mỗi phần là từ 0 đến 9 vào đây cũng là thang điểm cho điểm số cuối cùng. Khác với TOEFL, ở IELTS không có thời gian nghỉ giải lao nhưng riêng phần nói có thể được dời đến trước hoặc sau 1 tuần so với ngày thi chính thức.

Phần thiSố câu hỏi Thời gian làm bài Nội dung
Reading4060 phútGồm ba bài đọc với nhiều văn phong và được trích từ nhiều nguồn khác nhau cùng với 10-15 câu hỏi cho mỗi bài, tương tự như phần Listening, các câu hỏi thuộc phần Reading cũng thuộc nhiều dạng như trắc nghiệm, đặt nhãn, hoàn thành câu…
Listening4030 phútGồm một bài nghe được đặt trong ngữ cảnh xã hội thông thường, 2 bài trong ngữ cảnh giáo dục và một bài về bài giảng học đường. Có 10 câu hỏi cho mỗi bài, thuộc các loại như trắc nghiệm, nối, đặt nhãn, hoàn thành câu và câu trả lời ngắn.
Speaking3 phần nhỏKhoảng 15 phútCó hình thức tương tự như một buổi phỏng vấn với giám khảo, gồm ba phần. Trong phần một thí sinh sẽ được hỏi về những mảng chủ đề quen thuộc như công việc, gia đình,…Trong khi đó ở phần hai thí sinh sẽ nhận được một tấm thiệp có chứa chủ đề cần bàn luận và một phút chuẩn bị trước khi đưa ra câu trả lời trong vòng hai phút kế tiếp. Sau đó, ở phần ba, thí sinh sẽ được yêu cầu trả lời một số câu hỏi liên quan đến chủ đề ở phần hai trong 4 đến 5 phút.
Writing2 câu hỏi60 phútGồm hai phần:– Ở phần một thí sinh được yêu cầu mô tả về thông tin dưới dạng hình ảnh (bảng, biểu đồ, đồ thị, bản đồ). Lượng từ tối thiểu cho bài luận này là 150 từ, được khuyến khích viết trong vòng 20 phút.– Ở phần thứ hai, thí sinh viết một bài nghị luận với văn phong học thuật dài ít nhất 250 từ, trong khoản thời gian lý tưởng là 40 phút. Cả hai phần viết đều được đánh giá dựa trên sự rõ ràng của nội dung, vốn từ vựng, ngữ pháp và lỗi chính tả.


III. NÊN THI IELTS HAY TOEFL

Đầu tiên, bạn không cần phải thi cả 2 bài thi này. Chỉ cần chọn 1 trong 2 bài thi thôi, nên mình sẽ đề cập những tiêu chí để lựa chọn ở dưới.

A. NGÔI TRƯỜNG BẠN YÊU THÍCH CHẤP NHẬN LOẠI BẰNG NÀO?

Đây là câu hỏi quan trọng nhất bởi nếu ngôi trường bạn thích và muốn nộp đơn không chấp nhận tấm bằng bạn đang giữ thì mọi cân nhắc khác là vô nghĩa. Rất nhiều trường với chương trình chưa tốt nghiệp và chương trình đã tốt nghiệp chấp nhận hai loại bằng này. Đa phần các trường ở Mỹ sẽ ưu ái tấm bằng TOEFL hơn trong khi các trường ở các quốc gia khác (đặc biệt tại châu Âu) sẽ thiên về bằng IELTS. Cũng có rất nhiều các trường khác chấp nhận cả hai loại bằng này.

Để chắc hơn thì bạn nên kiểm tra kĩ lại trường của bạn sẽ nghiêng về loại chứng chỉ nào nhiều hơn. Trên các trang web chính thức của TOEFL và IELTS đều cung cấp những công cụ tìm kiếm các trường sẽ chấp nhận bằng của họ.

TUY NHIÊN, với bậc đại học của Mỹ, mình thấy gần như không có trường nào trong top 150 cả LAC (Liberal Art Colleges), NU (National Universities) và Regional Uni chỉ công nhận 1 bài thi duy nhất. Cả 2 nhìn chung đều được chấp nhận nên bạn hãy xem tiếp các tiêu chí ở dưới.

B. THẾ MẠNH CỦA BẠN NẰM Ở BÀI THI NÀO?

Hầu hết nội dung kiểm tra ở hai kì thi này là như nhau, nhưng cách thức tổ chức lại khác nhau. Hãy xem qua năm sự khác biệt sau đây giữa hai bài kiểm tra và tự mình đưa ra kết luận về loại bài sẽ là thế mạnh của mình

  • Trắc nghiệm và câu trả lời ngắn:

Ở phần Listening và Reading, trong khi ở TOEFL phần lớn là các câu hỏi trắc nghiệm và phần thiểu số các hỏi có câu trả lời ngắn có thể được rút ra ngay trong bài thì ở IELTS, rất nhiều câu hỏi yêu câu các câu trả lời ngắn và để trả lời được những câu ấy, bạn phải tự mình viết ra. Ví dụ, ở cả hai bài thi đều có bài tập sắp xếp trình tự của một sự kiện hoặc quá trình. Ở bài thi TOEFL thì các bước này đã được ghi ra sẵn, bạn chỉ cần xếp lại theo thứ tự hợp lí. Còn ở IELTS, bạn phải tự mình ghi ra và sắp xếp các bước ấy. Ngoài ra ở TOEFL khi làm phần Listening, bạn bắt buộc phải nghe hết rồi mới được đọc đề.

  • Làm bài trên máy và làm bài trên giấy:

Hầu hết những người thi bài thi TOEFL thì thi trên máy tính. Mặc dù họ có thể nháp trên giấy nhưng đáp án cuối cùng vẫn được nộp trên máy tính. Trong khi đó, bài IELTS có thể được tổ chức cả ở dạng trên máy tính hoặc ở dạng giấy đi kèm với bút chì. Vì vậy, nếu bạn đánh máy nhanh hơn viết tay, hoặc có chữ viết tay quá khó nhìn, hoặc thính đánh máy hơn là làm trên giấy thì TOEFL sẽ có lợi hơn cho bạn. Nếu bạn thích viết ra trên giấy, hoặc không quen với bàn phím máy tính, hoặc cảm thấy khó chịu với máy tính thì IELTS sẽ dễ dàng hơn cho bạn.

  • Loại văn bản dùng cho bài đọc:

Trong khi phần đọc ở bài thi IELTS là sự kết hợp giữa các văn bản học thuật và các bài báo, tạp chí thì toàn bộ các bài đọc của TOEFL là các văn bản hàn lâm với rất nhiều các từ vựng cao cấp và các khái niệm khó hiểu. Do đó, nếu không tự tin với kĩ năng đọc của mình thì có thể IELTS là lựa chọn phù hợp cho bạn.

  • Nói qua máy tính và đối thoại trực tiếp:

Nhiều người cảm thấy việc đối diện với giám khảo trong khi trình bày phần thi nói và dễ chịu hơn khi nói với máy thì sẽ nghiêng sự lựa chọn của mình về TOEFL. Trong khi đó, nhiều người cảm thấy nói chuyện với người khác sẽ tự nhiên hơn là cứ nói vào một cái máy vô hồn thì sẽ thiên về IELTS. Hơn nữa, đối với những người mong muốn hoàn thành tất cả các phần thi trong một buổi thì TOEFL sẽ là sự lựa chọn tốt hơn, trong khi đó những người thích tách bài thi ra thành các phần nhỏ để dễ thở sẽ thiên về IELTS vì phần nói của bài thi này cách xa thời gian thi các bài còn lại.

  • Cấu trúc phần Writing:

IELTS có 2 phần viết 1 là đọc và nhận xét/tóm tắt biểu đồ, bản đồ, thời gian biểu và phần 2 là đưa ra ý kiến cá nhân với 1 vấn đề cho sẵn. Phần 2 của IELTS Writing khá giống phần 2 của TOEFL Writing còn phần 1 của TOEFL Writing lại tập trung vào tóm tắt ý kiến của bài nghe và bài đọc cho sẵn. Nhìn chung phần Writing TOEFL khá đơn giản nếu bạn nghe được.

  • Độ dài khuyến khích của bài luận:

Bài thi IELTS cho bạn 1 giờ để viết trong khoảng tổng cộng 400 từ (cả 2 tasks) còn với bài thi TOEFL thì nhiệm vụ của bạn là viết đến khoảng 500 từ (cả 2 tasks) chỉ trong vòng 50 phút. Đối với những người chật vật với kĩ năng viết thì có lẽ bài thi IELTS sẽ phù hợp hơn. Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ rằng dù bạn có thể nộp bài khi vẫn chưa đạt được số từ theo yêu cầu nhưng bạn cũng sẽ mất điểm nếu câu trả lời của bạn vẫn chưa hoàn chỉnh.

*NHÌN CHUNG, theo kinh nghiệm cá nhân mình thấy IELTS khó nhất là Writing còn 3 skills còn lại khá là dễ ăn điểm còn TOEFL thì ngược lại dễ nhất Writing còn 3 skills còn lại khá khó hơn

=> thi IELTS dễ đạt điểm cao hơn.

C. BÀI KIỂM TRA NÀO DỄ TIẾP CẬN HƠN?

Bạn cũng cần cân nhắc những yếu tố như bài thi nào có ngày thi phù hợp với lịch trình, kế hoạch của bạn hơn, hay kì thi nào có địa điểm thi gần với bạn nhất. Những yếu tố này cung sẽ giúp bạn trả lời cho câu hỏi về sự lựa chọn giữa IELTS và TOEFL.

D. KÌ THI NÀO RẺ HƠN?

Giá cả cũng là điều đáng cân nhắc. Cả hai bài kiểm tra đều tính phí khoảng 200-250USD , nhưng giá cả này thay đổi ra sao còn tùy vào vị trí địa lý, quốc gia nơi bạn sẽ dự kì thi. Hãy so sánh mức giá của cả hai bài thi khu chúng được tổ chức ở khu vực của bạn để xem mức giá ở đâu thấp hơn.

  • CHÚ Ý:
  • 1 số trường cho phép không cần nộp bằng IELTS hoặc TOEFL nếu như điểm SAT hoặc ACT cao trên 1 mức nhất định. Bạn hãy check lại trên web trường để xác nhận thông tin này. Nếu trường không nói gì tức là bạn vẫn phải nộp cả 2.
  • Bạn sẽ không cần bằng IELTS hoặc TOEFL nếu đã học tại Mỹ hoặc 1 quốc gia nói tiếng Anh khác, hoặc thậm chí là sống tại Mỹ từ 2 năm trở lên. Nếu bạn mới học 1 năm (thường là theo dạng trao đổi văn hoá) khả năng cao là bạn vẫn cần thi IELTS hoặc TOEFL. Ngoài ra nếu bạn học cấp 3 tại 1 số trường quốc tế, có khả năng bạn sẽ không cần nộp bằng IELTS hoặc TOEFL đâu. Tuy nhiên bạn nên email hỏi ban tuyển sinh của trường để chắc chắn 100% nhé. Còn bây giờ thì cứ ôn tập đi!!!

B. ĐIỀU KIỆN ĐỦ: SAT HOẶC ACT

1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ SAT VÀ ACT

Đối với top 100 của các trường National Universities hoặc Liberal Art Colleges thì gần như bạn sẽ bắt buộc phải nộp điểm của 1 trong 2 bài thi SAT hoặc ACT. Tuỳ thuộc vào vị trí hoặc các chính sách riêng của trường đại học bạn định nộp, mà có thể bài thi SAT hoặc ACT được ưu tiên hơn, nhưng nhìn chung thì cả 2 bài thi đều được chấp nhận như nhau giống như trường hợp của TOEFL hoặc IELTS ở trên. Với các trường ngoài top 100 sẽ có những trường không yêu cầu bạn nộp cả điểm SAT hay ACT, nhưng nếu bạn đang hướng đến việc xin học bổng, việc thi SAT hoặc ACT là bắt buộc.

Với học sinh Việt Nam, kì thi SAT phổ biến hơn ACT rất nhiều vì chiến thuật kinh doanh của College Board tập trung đầu tư quốc tế, còn ACT, Inc – công ty quản lí bài thi ACT tập trung vào phát triển trong nước Mỹ. Có những học sinh và phụ huynh chưa bao giờ nghe về ACT cho rằng kì thi SAT dành cho những học sinh thông minh, và ACT chỉ là một kì thi thay thế dành cho những học sinh đẳng cấp thấp hơn, hay nhiều học sinh nghĩ rằng kì thi ACT khó hơn và sẽ được các trường đại học đánh giá cao hơn SAT. Tuy nhiên, số học sinh thi SAT và ACT gần như tương đương nhau. Số liệu thống kê năm 2015 cho thấy 1,548,198 học sinh thi SAT và 1,924,436 học sinh thi ACT ở Mỹ, cho thấy danh tiếng và sự phổ biến của SAT và ACT ngang nhau.Hơn thế, trong những năm gần đây, số lượng học sinh chọn kì thi ACT có xu hướng tăng còn số lượng học sinh chọn kì thi SAT giảm nhẹ.

2. SO SÁNH 2 BÀI THI SAT VÀ ACT

 Bài thi ACT (ACT Inc.)Bài thi SAT (College Board)
Lệ phí thi$103.5 (không Writing)
$120.00 (có Writing)
*Mức phí sẽ còn giao động dựa vào nơi bạn thi
Từ $78-$107.5
*Mức phí sẽ còn giao động dựa vào nơi bạn thi
Các kĩ năng được kiểm tra5 kĩ năng
1. Reading (Đọc) – 40 câu, 35 phút
2. Mathematics (Toán) – 60 câu, 60 phút
3. English (Tiếng Anh) – 75 câu, 45 phút
4. Science (Khoa học) – 40 câu, 35 phút
5. Writing (Luận – không bắt buộc) – viết 1 đề, 40 phút
Ngoại trừ phần viết luận, 4 kĩ năng còn lại đều là trắc nghiệm 100%
4 kĩ năng
1. Reading (Đọc) – 52 câu, 65 phút
2. Mathematics (Toán) – tổng 58 câu, 80 phút; chia thành 2 phần
– Được dùng máy tính: 38 câu, 55 phút với 79% số câu là trắc nghiệm, và 21% số câu phải tự điền đáp án
– Không được dùng máy tính: 20 câu, 25 phút với 75% số câu là trắc nghiệm, 25% số câu phải tự điền đáp án
3. Writing and Language (Viết và ngôn ngữ) – 44 câu, 35 phút
Cách thức chấm điểmSố điểm được dựa trên số câu trả lời đúng và không bị trừ điểm khi trả lời sai.Số điểm được dựa trên số câu trả lời đúng và không bị trừ điểm khi trả lời sai.
Thang điểm– Thang điểm cuối: 1-36 (Phần Writing không được tính vào thang điểm cuối mà chỉ 4 kĩ năng được cộng vào chia trung bình)
– Mathematics: 1-36
– Reading: 1-36– English: 1-36
– Science: 1-36
– Writing (không bắt buộc): 2-12
– Thang điểm cuối: 400-1600
– Mathematics: 200 – 800– Evidence-Based Reading và Writing: 200-800 (400 cho mỗi kĩ năng)

3. NÊN THI SAT HAY ACT:

Nhìn chung, bài thi ACT và SAT có nội dung ôn tập của phần English và Writing and Language khá giống nhau nên để xác định được mình nên thi bài thi nào, bạn cần lưu ý tới các điểm sau

  • KÌ THI SAT NHẤN MẠNH VÀO TỪ VỰNG HƠN:

SAT có nhiều câu hỏi kiểm tra từ vựng trong phần thi đọc Critical Reading cũng như phần Writing and Language hơn so với ACT yêu cầu bạn lựa chọn từ có ý nghĩa đúng nhất với ngữ cảnh câu. Ngoài ra bài đọc của SAT nhìn chung cũng khó hiểu hơn so với bài đọc của ACT.

Có một vốn từ vựng lớn sẽ giúp bạn đạt điểm cao trong cả hai kì thi SAT và ACT, tuy nhiên nếu bạn không có 1 vốnt ừ lớn thì bạn có thể gặp nhiều khó khăn chuẩn bị cho kì thi SAT hơn.

  • KÌ THI ACT KIỂM TRA NHIỀU NỘI DUNG TOÁN HƠN SO VỚI SAT MỘT CHÚT NHƯNG SAT SẼ CÓ 1 PHẦN KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG MÁY TÍNH VÀ NHÌN CHUNG CŨNG BẪY HƠN

Cả hai bài thi đều kiểm tra những nội dung tương tự nhau: số học, đại số và hình học nhưng có khoảng 9 câu hỏi nội dung về lượng giác, số ảo, lô-ga-rit,… trong phần toán của ACT sẽ không có trong bài thi SAT. Kì thi ACT sẽ khó hơn đối với các học sinh chưa được học các nội dung này ở trường, nhưng với các học sinh Việt Nam, thường các nội dung trên đã được học gần hết trong lớp 10 và 11 nên đây không phải là trở ngại lớn.

  • KÌ THI ACT CÓ PHẦN THI KHOA HỌC – NHƯNG KHÔNG LIÊN QUAN ĐẾN KHOA HỌC:

Phần thi ACT Science có tên là Science Reasoning Test kiểm tra kĩ năng phân tích và giải quyết vấn đề. Cụ thể hơn, các kĩ năng thiết yếu trong phần thi này là đọc và sử dụng biểu đồ và bảng thống kê một cách thuần thục. Cần có những chiến thuật và kĩ năng làm bài để đạt điểm cao trong phần thi này, tuy nhiên tránh chuẩn bị quá nhiều vào kiến thức khoa học vì mục đích của phần thi không phải là kiểm tra vốn kiến thức khoa học của bạn.

  • KÌ THI SAT CỐ TÌNH PHỨC TẠP HÓA CÁC CÂU HỎI VÀ ĐÁP ÁN TRẮC NGHIỆM NHƯNG CÁC CÂU HỎI DỄ HƠN, TRONG KHI ĐÓ CÁC CÂU HỎI CỦA ACT THẲNG VÀ RÕ RÀNG HƠN NHƯNG KHÓ HƠN.

Một câu hỏi trong phần toán ACT có thể hỏi :”Nếu các số 3,5,7,9,11 liên tục được lặp lại vô hạn, số thứ 1089 của dãy là số nào?”

Cùng chủ đề về dãy số, nhưng câu hỏi SAT có thể phức tạp và dài dòng hơn:” Một dãy số bắt đầu từ số 5, mỗi số sau số đầu tiên là tổng của số đứng trước cộng với 4. Vậy tổng của 6 số đầu tiên của dãy số là bao nhiêu?”

  • KÌ THI ACT CÓ PHẦN THI WRITING/ESSAY DỄ HƠN

Phần Writing của ACT sẽ quen thuộc với các bạn thí sinh Việt Nam bởi dạng đề là đánh giá ít nhất 1 trong 3 quan điểm đã được đưa ra trong bài và đưa ra ý kiến cá nhân của mình về vấn đề đó (nghị luận xã hội) trong khi phần thi Essay của SAT sẽ thường yêu cầu phân tích cách tác giả sử dụng các biện pháp nghệ thuật/ngôn từ để đưa ra ý kiến của mình về 1 vấn đề (nghị luận văn học). Nhìn chung để đạt 10 ACT Writing không hề khó nhưng để đạt 18 SAT Essay sẽ vất vả hơn rất nhiều.

Đa phần các trường top đầu cho học bổng cao sẽ yêu cầu bạn nộp cả điểm Writing/Essay nên nếu bạn đang hướng đến những trường như vậy, ACT sẽ là 1 lựa chọn tốt hơn cho bạn.

  • KÌ THI ACT RẤT CHẶT CHẼ VỀ THỜI GIAN:

Kì thi SAT có 4 phần nội dung được kiểm tra: Writing and Language, Reading, Math và Essay không bắt buộc, nhưng kì thi ACT có tới 5 phần nhỏ (English, Math, Reading, Science, Writing – không bắt buộc)

Nếu bạn lỡ thiếu thời gian trong 1 phần toán của SAT, vẫn còn 2 phần toán để bù lại. Tuy nhiên, giả sử bạn dành 5 phút cho câu 15 khó của phần toán ACT (60 câu – 60 phút), điểm của bạn chắc chắn sẽ không như mong đợi.

Kĩ năng quản lí thời gian và chọn câu để trả lời cũng là một trong nhiều nhân tố quan trọng để đạt được điểm cao trong kì thi SAT, nhưng đối với kì thi ACT, chúng là chìa khóa duy nhất nắm toàn bộ sự thành công, đặc biệt với phần Reading của ACT dù đọc rất dễ hiểu nhưng trong 1 khoảng thời gian ngắn ngủi, bạn sẽ vất vả hơn để tìm được chi tiết nhanh khi mà các câu hỏi còn không được xếp theo thứ tự bài đọc như Reading của TOEFL vậy.

C. ĐIỀU KIỆN BỔ SUNG (ĐIỂM CỘNG HỒ SƠ): AP

(lưu ý: trước đây thì có SAT Subject Tests, hay còn gọi là SAT II nhưng College Board chính thức khai tử bài thi này từ tháng 1/2020 ở thị trường Mỹ và từ tháng 07/2020 tại thị trường quốc tế – trong đó có Việt Nam, nên nhìn chung, chúng ta không cần quan tâm tới SAT II nữa).

Ngoài ra nếu trường của bạn đang học là theo hệ A Level hoặc IB thì bạn không nhất thiết phải thi AP (trừ khi bạn sắp xếp được thời gian và có thể đăng ký thi)

1. AP LÀ GÌ?

AP viết tắt cho Advanced Placement, là một chương trình được tạo ra bởi College Board cho phép bạn tham gia các khóa học để đạt các tín chỉ đại học hoặc thể hiện trình độ học thuật cao ngay khi còn học cấp 3. Nói cách khác, các khóa học AP được thiết kế để giúp bạn tiếp cận sớm với các kiến thức bậc đại học. Ngoài ra, nếu vượt qua kì thi AP, bạn có thể được miễn một số tín chỉ đại học và khiến cho hồ sơ du học thêm “nặng kí”.

Các kì thi AP nhằm lấy tín chỉ đại học thường diễn ra vào cuối tháng Năm hàng năm. Với thang điểm 5, bạn đạt trên 3 điểm là đã đỗ kì thi AP và đạt tín chỉ.

Nhìn chung, bài thi AP còn khá mới với đa phần học sinh Việt Nam, trừ các bạn đã và đang du học cấp 3 tại Mỹ hay học tại các trường quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các bạn học sinh Việt Nam đều chuẩn bị khá kĩ lưỡng cho bộ hồ sơ của mình nên đã bắt đầu lên kế hoạch ôn thi và đăng ký thi từ rất sớm. Ví dụ như vào năm học 2016-2017, việc đăng ký thi tại Việt Nam khá dễ dàng, học sinh có thể đợi tới tháng 2, 3 của năm học đó mà vẫn có thể đăng ký được môn mình muốn thi. Tuy nhiên tới năm học 2017-2018, nhận ra sự cần thiết của môn AP trong bộ hồ sơ, chỗ thi tại Việt Nam đã hết từ khoảng tháng 1, trong khi tháng 5 mới thi và nếu như bạn không nhanh tay, lựa chọn duy nhất là bay qua nước ngoài để thi. Nhưng chưa hết, có RẤT NHIỀU HỌC SINH VIỆT NAM quyết định bay qua các nước khác như Thái Lan, Đài Loan để thi AP đấy!!!

2. TẠI SAO BẠN NÊN THAM DỰ KÌ THI AP?

A. KHIẾN CHO BỘ HỒ SƠ DU HỌC CHẤT LƯỢNG HƠN.

Tham dự một hay nhiều kì thi AP là một cách tuyệt vời để bạn thử sức với những lĩnh vực học thuật (chuyên ngành mà bạn định học ở bậc đại học) và cho các bác adcoms (người sẽ xét duyệt hồ sơ của bạn) thấy được sự nghiêm túc của bạn với việc học. Điểm 4/5 hoặc 5/5 AP sẽ là điều rất có lợi đối với hồ sơ du học của bạn bởi nó cho thấy bạn có kiến thức môn đó cao hơn 80-90% sinh viên đại học.

Bởi AP yêu cầu bạn phải học một lượng kiến thức lớn để qua môn, nên khi lên đại học, bạn sẽ quen với nhịp học nhanh hơn những bạn học khác. Theo một khảo sát từ College Board, những học sinh thi AP thường có điểm số cao hơn người khác khi học đại học.

Rất nhiều trường đại học như Yale, USC,… nói rằng họ luôn tìm kiếm những học sinh thử thách bản thân ở những khóa học, môn học khó nhằn nhất, và AP chắc chắn sẽ là lựa chọn không tồi cho những ai muốn mở rộng cánh cửa du học của mình đó. Để biết trường yêu cầu hoặc khuyến khích thi môn AP nào, bạn hãy tìm kiếm trong phần Admissions/Requirements của trường nhé.

B. GIÚP BẠN THỂ HIỆN ĐAM MÊ CỦA MÌNH

Đúng vậy, bạn hoàn toàn có thể cho các trường đại học thấy sự yêu thích, hết mình của mình đối với một một học/ngành nào đó thông qua bài thi AP. Nếu bạn mơ ước trở thành một kĩ sư, vượt qua kì thi AP Calculus hay AP Physics sẽ là cách hoàn hảo để trường thấy bạn nghiêm túc với ước mơ và có đủ khả năng để theo nuối ước mơ đó. Tương tự như vậy, hãy nghiêm túc với đam mê của mình và tìm cho bản thân một hướng đi phù hợp trên con đường tới giấc mơ Mỹ nhé.

C. GIÚP BẠN ĐẠT TÍN CHỈ ĐẠI HỌC

Một số trường đại học, tiêu biểu như Havard, Michigan cho phép bạn lấy tín chỉ đại học nếu vượt qua kì thi AP của một số môn học. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian học của bạn sẽ ngắn lại và chi phí học tập sẽ được giảm bớt.

Tuy nhiên cũng có một số trường dùng điểm AP để xếp bạn vào các lớp học với trình độ cao nhưng không cho phép rút ngắn thời gian học hoặc hạn chế việc chấp nhận điểm AP để lấy tín chỉ sớm ở một số môn học. Đại học Stanford là một ví dụ. Trường cho phép học sinh lấy tín chỉ qua AP ở các môn Khoa học, Ngôn ngữ, và Toán, tuy nhiên các môn Lịch sử và Tiếng Anh lại bị hạn chế.

Nguồn tham khảo: Magoosh, Prep Scholar, Elite Prep Vietnam, Ets.org và British Council

Lời khuyên cuối của mình: Đừng chờ đợi thời điểm “chín muồi” vì nó không bao giờ đến đâu! Đọc xong bài viết này, bạn hãy bắt đầu ngay vào việc chốt lại bài thi mình cần phải thi và dồn hết trí lực vào ôn thi luôn.

À và đừng quên like page Elite Prep Vietnam để luôn cập nhật những bài viết mới nhất về du học Mỹ nhé!!! Bật mí là trong các kì tiếp theo sẽ có những bài viết về Cách bạn THỰC SỰ CHỌN trường (yeppp, nó sẽ không sao rỗng mà sẽ đánh vào thực tế phũ phàng của nền giáo dục Mỹ và cách bạn có thể lợi dụng điều này); Cách phân bố thời gian để ôn thi và chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ (chia thành từng mức kiểu như nếu bạn lớp 9 thì chuẩn bị thế nào, lớp 10 thì chuẩn bị thế nào,…); các tips khi viết Personal Statement và hơn thế nữa

Bạn cần giúp đỡ để hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển Đại học Mỹ, Canada, châu Âu? Hãy tham khảo dịch vụ Tư vấn Du học của Elite Prep Vietnam ngay để có thể làm nổi bật bộ hồ sơ của mình nhất nhé!

Leave a Reply